Tám lý do chính Anh rời khỏi EU
Tám lý do chính Anh rời khỏi EU Vào hôm thứ Năm, người Anh đã bỏ phiếu thuận cho việc rời khỏi Liên minh Châu Âu bằng một cuộc trưng cầu...
Bài liên quan
Tám lý do chính Anh rời khỏi EU
Vào hôm thứ Năm, người Anh đã bỏ phiếu thuận cho việc rời khỏi Liên minh Châu Âu bằng một cuộc trưng cầu dân ý về vị thế thành viên của Anh trong tổ chức này.
Trong một động thái mới đây, hơn 1,5 triệu người đã ký vào bản kiến nghị một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về tư cách thành viên EU của Anh.
Kiến nghị này đưa ra sau kết quả bỏ phiếu hôm thứ sau ủng hộ Anh rời EU.
Đã có nhiều chữ ký khác trên website của thượng viện và con số chữ ký đã vượt quá 100,000. Thượng viện sẽ xem xét kiến nghị này để tranh luận.
Dưới đây là những lý do khiến chiến dịch “Ra khỏi” EU giành đa số.
1. Cảnh báo suy thoái kinh tế
Những điều bắt đầu chỉ như giọt nước nhỏ đã sớm trở thành một dòng suối và sau đó là một trận lụt lớn.
Người dân Anh đã được cảnh báo rất nhiều về việc họ sẽ trở nên nghèo hơn nếu Anh ra khỏi EU. Tuy nhiên, điều này không đủ thuyết phục hoặc họ tin rằng đấy là một cái giá đáng để chấp nhận.
Hàng loạt chuyên gia từ Liên đoàn công nghiệp Anh (CBI), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Viện Nghiên cứu tài chính (IFS) đã cảnh báo viễn cảnh nền kinh tế trục trặc, thất nghiệp tăng cao, đồng bảng sụt giá và doanh nghiệp Anh bơ vơ sau khi rời khỏi EU.
Ngân hàng Anh cảnh báo khả năng suy thoái kinh tế tăng cao trong khi Ngân khố (Treasury) nói sẽ buộc phải tăng thuế thu nhập và cắt bớt chi tiêu nhà nước cho Dịch vụ Y Tế Quốc gia (NHS), trường học và quốc phòng.
Trước đó, Tổng thống Obama gợi ý nước Anh sẽ “trở lại xếp hàng đội sổ” trong việc đạt được hợp đồng thương mại với Hoa Kỳ. Giới chức cấp cao của EU, trong đó có ông Donald Tusk úp mở về việc kết thúc văn minh chính trị phương Tây.
Một số người thuộc phái “Ở lại” chấp nhận cái được gọi là “Dự án sợ hãi” đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Thực tế là quần chúng đã sẵn sàng bỏ ngoài tai lời khuyên của chuyên gia cảnh báo hệ lụy về việc nước Anh rời EU có ảnh hưởng kinh tế.
Quý vị có thể tham khảo thêm nguyên nhân này bên cạnh các nguyên nhân khác của cuộc Tọa đàm Bàn tròn Trực tuyến Đặc biệt tuần này của BBC Việt ngữ về việc Anh quốc quyết định rời khỏi EU tại đây.
2. Sự thu hút của khẩu hiệu 350 triệu bảng dành cho chương trình Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS)
Khẳng định rằng việc rời bỏ EU có thể giải phóng 350 triệu bảng một tuần để chi tiêu cho chương trình NHS chính là khẩu hiệu chính trị kiểu mẫu mà bất cứ chiến dịch tranh cử nào có thể mơ tới.
Khẩu hiệu này đơn giản đi thẳng vào vấn đề và hấp dẫn đối với các cử tri thuộc nhiều độ tuổi và lập trường chính trị khác nhau.
Không hề ngạc nhiên khi chiến dịch tranh cử "Ra khỏi" EU dán khẩu hiệu này lên tất cả các xe buýt của mình trên đường đi tranh cử.
Sự thực là tuyên bố này không vấp phải nhiều chỉ trích, mặc dù từng bị Hội đồng hoạch định Ngân sách cũng như Uỷ ban thống kê Anh cho rằng là dễ gây hiểu lầm.
Điều này không hề làm giảm tính thuyết phục của con số được ước tính.
Đây chính là con số ấn tượng được nhớ đến nhất trong chiến dịch bầu cử, vì nhiều người tin rằng số tiền đóng góp cho EU với tư cách phí thành viên nên được sử dụng trong phạm vi nước Anh.
Chính vì thế họ cho rằng Anh tốt hơn cả là ở bên ngoài EU.
3. Ông Farage nói nhập cư là vấn đề quyết định
Chiến dịch tranh cử “Ra khỏi” đã chơi nước bài về vấn đề nhập cư một cách thường xuyên và hiệu quả.
Vấn đề nhập cư động đến câu hỏi lớn về bản sắc văn hóa và dân tộc, điều phù hợp với thông điệp của cuộc vấn động “Ra khỏi” hướng tới những cử tri có thu nhập thấp hơn.
Kết quả cho thấy những lo lắng về số lượng người nhập cư vào Anh trong vòng 10 năm vừa qua, tác động của họ đến xã hội Anh, cũng như những điều có thể diễn ra trong vòng 20 năm tới, được cảm nhận một cách rộng rãi và sâu sắc hơn những gì người ta mường tượng.
Vấn đề về Thổ Nhĩ Kỳ cũng là vũ khí quan trọng nhất trong chiến dịch Ra khỏi.
Mặc dù lập luận Anh sẽ không thể ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU đã bị bác bỏ; tuy nhiên có quá nhiều điều không chắc chắn, cùng với cuộc khủng hoảng nhập cư Châu Âu vẫn đang diễn ra.
4. Dân chúng không còn nghe theo Thủ tướng
Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông David Cameron có thể đã thắng một cuộc đua lãnh đạo trong Đảng, hai cuộc bầu cử phổ thông và hai cuộc trưng cầu dân ý, nhưng tới đây thực sự vận may của ông đã kết thúc.
Bằng việc tiên phong kêu gọi tiến hành trưng cầu dần ý và vận động chiến dịch bầu cử “Ở lại”, cùng với việc đưa ra cương lĩnh dựa trên "lòng tin", ông Cameron đã đánh cược toàn bộ tương lai chính trị và danh tiếng cá nhân vào kết quả bầu cử vừa qua.
Ông đã quá tự tin vào khả năng đảm bảo được những thay đổi cơ bản trong quan hệ giữa Anh và EU.
Điều mỉa mai là những thỏa thuận mà ông này có được sau chín tháng thương lượng với EU trước đây sẽ bị hủy bỏ, chỉ bởi những lời châm biếm của những người hoài nghi EU trong nội bộ Đảng Bảo thủ.
Trong toàn bộ quá trình tranh cử "Ở lại", ông Cameron bất đồng chính kiến với nhiều thành viên Đảng Bảo thủ vì những người này vẫn chưa tha thứ cho quyết định tham gia liên minh cầm quyền vào năm 2010 của ông Cameron, cũng như những nhượng bộ và cam kết kèm theo.
Chính thất bại của Thủ tướng trong việc thuyết phục cử tri và thống nhất phiếu bầu đã dẫn đến việc ông Cameron phải từ nhiệm vào tháng Mười sắp tới.
5. Đảng Lao động không liên kết được với cử tri
Không chỉ có sự thật là 90% dân biểu thuộc đảng Lao động ủng hộ ở lại EU, họ đã đánh giá sai lầm thái độ của người ủng hộ Đảng mình. Khi nhận ra sai lầm đó, những người này thậm chí không thể làm gì nhiều để sửa sai.
Đáng lẽ phải cử những người có tiếng tăm tầm cỡ như cựu Thủ tướng Gordon Brown hay Thị trưởng London Sadiq Khan tham gia phát biểu về lợi ích của EU, và gợi ý rằng các biện pháp kiểm soát nhập cư chặt hơn là cần thiết, đảng Lao động lại hướng sự chú ý vào thực tế chia rẽ giữa người lãnh đạo xa rời cộng đồng dân chúng.
Mặc dù những chỉ trích này hướng vào Alan Johnson, người đứng đầu chiến dịch "Ở lại" của Đảng Lao Động, nhưng một điều dễ thấy là Jeremy Corbyn, người từ chối chia sẻ không gian chính trị với nhiều chính trị gia ủng hộ EU của đảng khác, sẽ là người bị đổ lỗi nhiều nhất.
Ngay sau Brexit có kết quả, nội bộ đảng Lao động đã diễn ra các bất đồng. Hilary Benn, 'Ngoại trưởng' trong nội các của đảng đối lập Lao động đã tuyên bố sự lãnh đạo của ông Corbyn không phù hợp.
Ông đã bị nhà lãnh đạo đảng Lao động sa thải. Nói với chương trình Andrew Show của BBC hôm Chủ nhật 26/6, ông Hilary Benn nói:"Ông ấy là một người tốt, nhưng không phải là một nhà lãnh đạo phù hợp.
"Tôi đã nói thẳng với ông ấy là tôi không tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông ấy và tôi cảm ơn ông ấy đã cho phép tôi phụng sự đảng trong cương vị ở thời gian qua."
6. Những người khổng lồ Boris Johnson và Michael Gove
Chúng ta biết rằng một nhóm bộ trưởng nội các ủng hộ Anh rời EU nhưng chính việc Michael Gove và Boris Johns tham gia ủng hộ đã thực sự tăng đà cho chiến dịch này.
Bộ trưởng bộ Tư pháp Michael Gove là người đưa tới sức nặng về tri thức và tính toán chiến lược, trong khi cựu Thị trưởng London Boris Johnson sở hữu sự lôi cuốn mang tính siêu sao và khả năng đoàn kết một đảng chính trị hiện đang chia rẽ.
Hai người này triển khai việc vân động tranh cử của mình khá tinh vi.
Trong khi Boris Johson nhận nhiệm vụ "điền dã" lên đường đến các điểm bầu cử trên cả nước trong chiếc xe buýt của chiến dịch "Ra khỏi" cũng như uống bia với cử tri trong các quán pub; ông Gove là kỹ sư đứng đằng sau lời kêu khỏi và kế hoạch "sau Brexit" rồi xuất hiện công khai trên các chương trình đặc biệt của Sky News và BBC.
Ngoài ra cũng phải kể đến vai trò của Nigel Farage người có phong cách riêng trong việc khơi nguồn tranh cãi và thuyết phục nhiều người ủng hộ và không ủng hộ đi đến điểm bầu cử.
Hình ảnh của ông Farage, lãnh đạo Đảng cực hữu Ukip đứng vận động với áp phích hàng ngàn người tị nạn ùa vào châu Âu được loan tin trên truyền hình, truyền thông Anh, được cho là có tác động rất mạnh tới tâm lý lo sợ nhập cư, lo ngại mất việc và giảm hầu bao, thắt chặt kinh tế gia đình và sự chia sẻ dịch vụ xã hội với nhập cư.
7. Cử tri già đổ bộ đến điểm bầu cử
Một thực tế là nếu cử tri càng lớn tuổi, họ càng bỏ công sức để đến điểm bỏ phiếu. 78% người trên 65 tuôi đã đi bỏ phiếu vào kỳ bầu cử 2015, so với 43% trong lứa tuổi 18-24 và 54% 25-34 tuổi.
Nghiên cứu cho thấy việc ủng hộ của Brexit là khá cao đối với những người có độ tuổi từ 55 trở lên so với những người thuộc độ tuổi trẻ hơn.
Ba trong số năm cử tri có độ tuổi cao hơn 65 và cao hơn muốn Anh rời EU.
Dĩ nhiên, không chỉ đơn giản như vậy, với nhiều cử tri trẻ hơn cũng ủng hộ việc rời EU trên khắp nước Anh và xứ Wales.
Nhưng khoảng cách thế hệ này trong phong cách bầu cử chỉ là một trong số nhiều điểm cần khắc phục sắp tới.
Hàng loạt báo Anh trong vài ngày sau Brexit có kết quả đã đưa tin nhiều cử tri trẻ cho rằng họ đã bị cử tri thuộc thế hệ trước làm ảnh hưởng tới tương lai và sự tự do cùng các quyền lao động, đi lại, học hành v.v... ở Liên minh châu Âu.
8. Châu Âu luôn có phần xa lạ
Mối quan hệ giữa Anh và Châu Âu chưa bao giờ đơn giản hoặc tĩnh tại.
Đất nước này phải nhiều năm mới gia nhập Cộng đồng Châu Âu. Rất nhiều người đã thay đổi ý định, với sự mâu thuẫn tư tưởng trước đây giờ trở thành thù địch một cách rõ ràng.
Đã có nhiều thập kỷ của chủ nghĩa hoài nghi hướng tới EU trong giới chính trị và phần lớn truyền thông nước Anh.
Thế hệ trẻ hơn, được nhìn nhận một cách tổng quan là ủng hộ EU nhưng cũng cần xem xét kỹ về chi tiết kết quả bầu xử để đánh giá về ảnh hưởng của độ tuổi
Một điều dễ nhận thấy là kết quả bầu cử quyết định Ra khỏi EU là một lời tuyên ngôn về bản sắc dân tộc của nước Anh, và với tất cả những gì liên quan, bao gồm vận mệnh kinh tế và chính trị của đảo quốc này.
Mời quý vị theo dõi thêm về ý nghĩa, hệ lụy của việc nước Anh lựa chọn ra khỏi EU qua chương trình Tọa đàm Bàn tròn Trực tuyến Đặc biệt của BBC Việt ngữ tuần này tại đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét